Người phụ nữ chi hơn 219 triệu đồng mua bảo hiểm, 6 năm sau cần tiền đi rút thì bị nhân viên từ chối: “Yêu cầu này không có trong hợp đồng”
Sau 6 năm kiên trì đóng bảo hiểm, người phụ nữ tại Trung Quốc bất ngờ bị nhân viên từ chối rút tiền.
Từng sống trong hoàn cảnh khó khăn nên bà Trương ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, rất cẩn trọng trong chi tiêu. Khi tích góp được chút tiền, bà không dám tiêu xài hoang phí mà luôn muốn tìm cách đầu tư an toàn, hiệu quả. Dẫu vậy, người phụ nữ này lại không đánh giá cao việc gửi tiết kiệm ở ngân hàng vì cho rằng kênh đầu tư này lãi suất ngày càng thấp, không theo kịp lạm phát.
Một ngày nọ năm 2016, khi đang khiêu vũ cùng nhóm bạn ở công viên, bà Trương được anh Lưu – một nhân viên bán bảo hiểm tiếp cận. Người này tự giới thiệu là người quen của hàng xóm bà Vương rồi nhanh chóng bắt chuyện: “Chị nhất định phải mua loại bảo hiểm này, lợi nhuận cực cao lại có nhiều ưu đãi đặc biệt”.
Khi thấy có nhiều người tụ tập, anh Lưu bắt đầu giới thiệu chi tiết hơn về sản phẩm: “Bảo hiểm này có lãi suất cổ tức hàng năm lên đến 5,12%. Mọi người muốn gửi bao nhiêu cũng được, cần tiền thì có thể rút bất cứ lúc nào!”
Mức lãi của gói bảo hiểm trên ngay lập tức khiến những người nghe, trong đó có bà Trương, tỏ ra hào hứng. So với tiền gửi cố định ngân hàng, mức lãi 5,12% vào thời điểm đó là một con số hấp dẫn. Chưa kể, thương hiệu bảo hiểm mà anh Lưu nhắc đến cũng là một cái tên lớn khiến mọi người rất an tâm. Đặc biệt, bà Trương vốn là người luôn lo ngại chuyện “bị kẹt tiền”, do đó khi biết gói bảo hiểm này cho phép người tham gia rút tiền một cách linh hoạt thì lại thêm phần hứng thú.
Để chốt đơn được nhiều khách hàng, nhân viên họ Lưu tung “chiêu cuối”: “Không chỉ vậy, khi các chị 80 tuổi còn có thể nhận 500.000 NDT tiền cổ tức nữa đấy!”
Nghe đến đây, bà Trương như được tiếp thêm niềm tin, không chần chừ ký hợp đồng mua bảo hiểm với thời hạn 6 năm. Từ đó, mỗi năm người phụ nữ này đều đặn đóng 10.000 NDT tiền bảo hiểm theo thỏa thuận. Tính đến đầu năm 2022, tức 6 năm sau đó, người phụ nữ này đã đóng tổng cộng 60.000 NDT ( hơn 129 triệu đồng) phí bảo hiểm.
Thời điểm đó, gia đình bà Trương gặp biến cố lớn khi chồng bà bất ngờ lâm bệnh nặng, phải nhập viện điều trị dài ngày. Gánh nặng tài chính đè nặng lên vai, bà Trương quyết định đến công ty bảo hiểm để rút tiền đã đóng suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, yêu cầu của bà bị nhân viên bảo hiểm từ chối thẳng thừng: “Chị không thể rút tiền ngay bây giờ được.”
Nghe vậy, bà Trương lớn tiếng hỏi: “Tại sao lại không rút được? Rõ ràng nhân viên từng nói tôi có thể rút tiền bất cứ lúc nào!”

Ảnh minh hoạ: Internet
Để giải đáp thắc mắc của khách hàng, phía công ty bảo hiểm đã lấy hợp đồng ra đối chiếu và cho biết: “Chắc có sự nhầm lẫn ở đây, vì trong hợp đồng giữa 2 bên không hề đề cập đến điều đó.”
Khi xem lại hợp đồng một cách cẩn thận, bà Trương mới nhận ra có điều khoản ràng buộc khiến bà không thể rút tiền như lời tư vấn ban đầu. Dù vô cùng thất vọng và tức giận, người phụ nữ này vẫn đành im lặng trước những lập luận chặt chẽ từ phía công ty bảo hiểm.
Câu chuyện của bà Trương là bài học dành cho những người đã, đang và sẽ tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Thực tế cho thấy, hiện nay có không ít vụ tranh chấp liên quan đến bảo hiểm phát sinh từ việc nhân viên tư vấn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giải thích rõ ràng, thậm chí cố tình gây hiểu nhầm hoặc che giấu thông tin quan trọng.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng là người cao tuổi do thiếu kiến thức tài chính và dễ tin vào mối quan hệ quen biết, thường trở thành mục tiêu của các sản phẩm bảo hiểm phức tạp, nhiều ràng buộc. Do đó, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, các chuyên gia Trung Quốc khuyên các gia đình cần quan tâm và hỗ trợ người già tiếp nhận những thông tin chính xác, thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu cho ông bà, cha mẹ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác và tránh bị người lạ dụ dỗ.
Quan trọng nhất, trước khi ký bất kỳ hợp đồng bảo hiểm, mọi người cần đọc kỹ các điều khoản, đặc biệt là quyền lợi, thời hạn và điều kiện thanh toán. Không nên chỉ dựa vào lời nói một phía của người khác để rồi rước thiệt thòi vào người.
(Theo Baijiahao)