TS Nguyễn Văn Đính: Siết lưu trú ngắn hạn sẽ tạo cơ hội cho người mua nhà ở thực
Theo TS Nguyễn Văn Đính, việc kiểm soát hoạt động cho thuê căn hộ theo ngày là cần thiết để đảm bảo an ninh, công bằng trên thị trường và mở ra cơ hội cho nhóm người có nhu cầu ở thật, trong bối cảnh giá căn hộ đang vượt xa khả năng chi trả của đa số người dân.
Thời gian gần đây, một loạt chung cư tại TP.HCM đã ra quy định không cho phép cư dân sử dụng căn hộ để kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày theo mô hình Airbnb. Động thái này được đưa ra sau khi UBND TP.HCM ban hành quy định cấm hoạt động này từ đầu tháng 3, và là bước chuẩn bị trước khi Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, trong đó quy định rõ ràng: căn hộ chung cư chỉ được sử dụng vào mục đích để ở.
Thực tế, mô hình cho thuê lưu trú ngắn hạn tại các khu căn hộ đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, nhất là tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, hình thức này cũng kéo theo nhiều hệ lụy như tăng mật độ người ra vào vượt ngưỡng thiết kế của hạ tầng, gây áp lực lên tiện ích công cộng, hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy và quản lý vận hành. Không ít cư dân phản ánh tình trạng bất tiện, mất an toàn và khó kiểm soát an ninh trong các toà nhà có tỷ lệ cho thuê ngắn ngày cao.
Bên cạnh đó, mô hình này còn tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng với các loại hình lưu trú chính thống như khách sạn, căn hộ dịch vụ. Trong khi các cơ sở lưu trú hợp pháp phải tuân thủ quy định về đăng ký kinh doanh, tiêu chuẩn vận hành, phòng cháy chữa cháy, nghĩa vụ thuế…, thì nhiều căn hộ cho thuê ngắn hạn lại hoạt động tự phát, không đăng ký, không kê khai thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định: "Việc siết chặt hoạt động lưu trú ngắn hạn tại các chung cư là cần thiết. Không chỉ nhằm đảm bảo an ninh trật tự và quyền lợi cư dân, mà còn góp phần định hình lại thị trường lưu trú theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và công bằng hơn".
Theo ông Đính, việc phân định rạch ròi giữa "nhà ở" và "kinh doanh" sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ căn hộ vào mục đích khai thác ngắn hạn, từ đó tạo dư địa cho người có nhu cầu ở thực.
"Khi hoạt động lưu trú ngắn hạn bị kiểm soát, biên lợi nhuận đầu tư suy giảm, chi phí vận hành gia tăng. Những chủ sở hữu không đáp ứng được điều kiện pháp lý sẽ buộc phải bán lại, giúp tăng nguồn cung căn hộ thực sự dành cho người mua ở", ông nói thêm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường nhà ở đang thiếu hụt nghiêm trọng sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người dân, việc giảm đầu cơ và ưu tiên nhu cầu ở thực là mục tiêu cần thiết. VARS cũng kiến nghị cơ quan quản lý sớm ban hành quy định cụ thể về hoạt động cho thuê ngắn hạn, yêu cầu chủ căn hộ phải đăng ký kinh doanh, khai báo tạm trú, thực hiện nghĩa vụ thuế và được sự đồng thuận của cộng đồng cư dân nếu muốn tiếp tục cho thuê.
Trên thế giới, nhiều đô thị lớn như Amsterdam, Berlin, Paris, Barcelona hay New York cũng đã áp dụng chính sách hạn chế hoặc cấm hoàn toàn hoạt động cho thuê ngắn ngày trong khu dân cư để tránh đẩy giá nhà ở lên cao và đảm bảo người dân có nơi ở ổn định.